Hướng dẫn tham khảo

Trồng tre tứ quý, lão nông miền Tây thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

Đăng bởi HỌC VIỆN DIỆN CHẨN VIỆT NAM vào lúc 20/10/2022

 Mạnh dạn đốn bỏ hơn 6 công đất trồng dừa kém hiệu quả chuyển sang trồng tre tứ quý , ông Nguyễn Văn Cua thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre tứ quý hơn 6 công đất, ông Nguyễn Văn Cua (62 tuổi, ngụ P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết hiếm có giống tre nào cho măng quanh năm như loại tre này.



Ông Cua kể, trước đây ông trồng đủ loại cây ăn trái nhưng không cây nào hiệu quả. Sau đó, ông chuyển sang trồng dừa ta nhưng thu nhập cũng không cao. Năm 2012, được người cháu cho 80 gốc tre tứ quý măng ông đem trồng thử nghiệm.

Sau thời gian trồng, thấy tre cho măng quanh năm, ít tốn công chăm sóc, thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng dừa nên ông mạnh dạn đốn bỏ vườn dừa, chuyển sang nhân giống trồng tre tứ quý. Đến nay, ông đã trồng phủ kín vườn nhà với hơn 500 gốc tre tứ quý.

Trồng tre tứ quý, lão nông miền Tây thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - ảnh 2
Khác với các loại tre khác chỉ ra măng 1 mùa trong năm, tre tứ quý ra măng quanh năm

DUY TÂN

Theo ông Cua, trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao chỉ cần cách 2 tháng bón phân 1 lần, mùa nắng cách ngày tưới nước 1 lần vào buổi chiều. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Mỗi bụi tre trồng cách nhau khoảng 2,5 m, sau khi trồng khoảng 8 tháng có thể thu hoạch măng. Mỗi bụi tre có thể cho 10 mục măng/tháng, mỗi mục đạt trọng lượng từ 1,5 kg trở lên.

Trồng tre tứ quý, lão nông miền Tây thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - ảnh 3
Mỗi mục măng tre tứ quý nặng từ 1,5 kg trở lên

Hằng năm, vào tháng 10, ông tiến hành lấy lá tre khô đắp gốc giữ độ ẩm cho măng phát triển. Khoảng 1 năm thì chặt bỏ tre 1 lần để măng tơ phát triển thành lứa cây mới, giúp năng suất luôn được đảm bảo. “Cứ mỗi năm tôi đều tiến hành đốn bỏ hoàn toàn những bụi tre trong vườn để lứa măng tơ phát triển. Mỗi bụi tôi cũng chỉ giữ lại từ 5 - 8 cây cây để măng nhanh sinh sôi và cho măng to, tốt”, ông Cua tiết lộ.

Để tránh “đụng hàng” với các giống măng khác vào mùa, ông thường dưỡng cây và giữ măng lại để bán vào mùa nghịch, giá cao. Điểm đặc biệt của măng tứ quý là vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu đắng như các loại măng khác. Khi nấu không cần lược bỏ một nước và càng nấu chín măng càng ngọt.

Trồng tre tứ quý, lão nông miền Tây thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - ảnh 4
Măng tre tứ quý được thu hoạch hằng ngày

DUY TÂN

Mỗi ngày, ông Cua thu hoạch từ 40 - 50 kg măng, giá bán dao động từ 15.000 - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhờ đó, ông có thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/ngày. Măng được bán cho bạn hàng tại các chợ trong huyện. Nhờ măng thu hoạch mỗi ngày, đảm bảo tươi, đạt độ ngon nhất nên khách hàng rất ưa chuộng.

Ngoài ra, mỗi năm ông còn xuất bán từ 8.000 - 10.000 cây giống tre tứ quý với giá 25.000, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cây giống được ông chiết nhánh để bán cho bà con địa phương và các tỉnh lân cận. Điểm đặc biệt của loại tre này chỉ chiết nhánh đạt nhiều nhất là rơi vào tháng mưa. Khoảng 25 - 30 ngày có thể đủ chuẩn để xuất bán.

Trồng tre tứ quý, lão nông miền Tây thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - ảnh 5
Ông Cua chiết nhánh tre tứ quý bán cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận

DUY TÂN

“Hầu như bộ phận nào của tre tứ quý cũng có thể kiếm được tiền. Ngoài măng, có thể bán cây để làm sào, rào chắn vuông tôm…còn lá tre thì bán cho người ta gói bánh”, ông Cua cho biết.

Nhận xét