Hướng dẫn tham khảo

Bình Dương: Trồng tre bán măng, vườn đẹp như phim, mỗi tháng đút túi có 70 triệu chứ mấy

Đăng bởi HỌC VIỆN DIỆN CHẨN VIỆT NAM vào lúc 20/10/2022

 Với 1,6 ha trồng tre lục trúc lấy măng, gia đình ông Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1960 ngụ tại ấp Bà Tứ, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) thu về 70 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền bán giống cây, thân cây tre, cành cây tre.

Chỉ sau 1 năm trồng, tre lục trúc đã cho thu hoạch măng, khai thác măng trong 8 đến 10 năm. Với 1,6 ha trồng tre lục trúc lấy măng, gia đình ông Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1960 ngụ tại ấp Bà Tứ, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng thu về 70 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền bán giống cây, thân cây tre, cành cây tre.

Ông Nguyễn Văn Tài cho biết Loại măng lục trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và được trồng rộng rãi trên đảo Đài Loan nên thường được gọi là tre Đài Loan. 

Bình Dương: Trồng tre bán măng, vườn đẹp như phim, mỗi tháng đút túi có 70 triệu chứ mấy - Ảnh 1.

ông Nguyễn Văn Tài bên vườn măng của gia đình tại xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây măng khác nên được gọi là măng lục trúc. 

Lục trúc là loài tre chuyên lấy măng, dễ trồng, nhiều năm nay người nông dân 2 xã Trừ Văn Thố và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng trồng loại tre lấy măng này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Ông Tài chia sẽ, trước đây gia đình ông trồng cao su với diện tích 2 ha nhưng do giá mủ cao su giảm mạnh, gia đình đã tìm tòi, lựa chọn giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Qua tìm hiểu và được Hội Nông dân xã cho tập huấn, tham quan thực tế mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, gia đình ông đã trồng thí nghiệm 200 bụi trên diện tích 7000 mét vuông đất.

Qua 2 năm trồng tre lục trúc, thấy cho hiệu quả kinh tế cao gia đình ông quyết định cưa hết cao su mở rộng diện tích trồng tre lấy măng lên 1,6 ha, phần đất còn lại gia đình trồng cây ăn trái và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Ông Tài cho biết thêm thời gian thu hoạch măng từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch hằng năm. Trung bình mỗi gốc tre lục trúc 1 năm tuổi có thể cho thu hoạch từ 30 đến 40kg măng, 1 năm cho thu hoạch khoảng 10 tháng. 

Măng tre lục trúc có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Tài chia sẽ về kỹ thuật trồng chăm sóc cây tre lục trúc lấy măng, “Đối với kỹ thuật trồng và chăm sóc tre lục trúc lấy măng tuy không mất nhiều công nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật bón phân, tỉa cây theo từng giai đoạn, thời điểm thì cây mới sinh trưởng ổn định. Nếu trồng lúc nắng quá hay mưa quá cũng không được, trời nắng cần che đậy và tưới đủ lượng nước cho cây giống...".

Theo ông Tài, với cây tre đã cho thu hoạch măng cần bón phân lân, kali hàng tháng và tỉa bỏ những cây già cỗi. Để phòng ngừa sâu đục măng, đến cuối tháng 12 cần bới gốc cây cho lộ rễ, rắc một lớp vôi mỏng khử trùng rồi để phơi nắng từ 2-4 ngày; sau đó mới cho phân bổ sung dinh dưỡng và lấp đất vừa đủ. 

Ông tài nhấn mạnh, việc trồng tre lục trúc khâu kỹ thuật rất quan trọng là thu hoạch măng đúng thời điểm để thúc đẩy kịp thời lứa măng khác.

Trồng tre lục trúc lấy măng bán vào mùa mưa khá đơn giản, hầu như chỉ bón phân vào đầu mùa mưa, lâu lâu đi phát dọn bớt các cành dư, chứ không cần làm gì nhiều, cũng không lo bị thiệt hại như các loại cây trồng khác. 

Bình quân mỗi ngày, vườn lục trúc của ông cho thu khoảng 60kg măng với giá bán 30 đến 45 nghìn đồng/kg. Khách hàng thường đến tận nhà chị đặt hàng và đưa đi các tỉnh, thành phố tiêu thụ. Từ cây tre lục trúc kinh tế gia đình ông đã khấm khá hơn, với thu nhập cao và ổn định.

Ngoài thu nhập từ lấy măng, trồng tre lục trúc còn cho thêm thu nhập từ bán giống tre, thân cây tre, cành cây tre. 

Chia sẻ thêm, ông Tài cho biết: “Dự kiến trong thời gian tới, các cây giống do ông tự chiết có thể xuất bán ra thị trường để bà con có nhu cầu không cần phải đi xa nhập cây giống”.

Với sự cần cù, chịu khó, kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, vườn măng của gia đình ông Tài luôn lên xanh tốt, sản lượng măng thu hoạch cao. 

Từ những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương, gia đình ông Nguyễn Văn Tài xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Bàu Bàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) cho rằng, mô hình măng lục trúc phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao. 

"Hiện địa phương có nhiều hộ nông dân làm ăn khấm khá từ phát triển mô hình tre lấy măng. Để mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, địa phương đã thành lập Hợp tác xã tre lấy măng để kết nối người nông dân trên địa bàn xã hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, cây giống… qua đó giúp người dân nâng cao mức sống và làm giàu chính đáng...", ông Nguyễn Bá Thương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Trường II.

Nhận xét